Cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước Việt và giáo đường cổ
- Ngày đăng: 20 Tháng Tư, 2020
Thật thú vị khi được biết rằng cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước Việt đang được lưu giữ cẩn thận trong một nhà thờ cổ, đẹp, nằm xa khuất ở một huyện lỵ của miền Trung: Tuy An, Phú Yên.
Nằm trên con đường từ thành phố Tuy Hòa đến Gành Đá Dĩa, chỉ cách quốc lộ 1A chừng hai cây số, nhà thờ Mằng Lăng không khó kiếm đối với du khách. Tuy nhiên, bạn dễ bị bỏ qua khi mải mê hành trình tìm đến Gành Đá Dĩa cách đó vài chục cây số nữa.
Kiến trúc lạ giữa đồng bằng
Được xây dựng năm 1892, nhà thờ Mằng Lăng là ngôi nhà thờ cổ nhất xứ Phú Yên. Tên nhà thờ xuất phát từ tên một loài cây được trồng rất nhiều ở vùng này cách đây hàng thế kỷ. Cây Mằng Lăng giờ hầu như đã tuyệt chủng, dấu tích của loài cây này chỉ còn tồn tại trong chính tên gọi của nhà thờ, như góp phần minh họa cho sự hiện diện lâu đời của công trình kiến trúc cổ này giữa khung cảnh đồng quê đã bao thay đổi bể dâu.
Nhà thờ do vị linh mục đầu tiên của giáo xứ Mằng Lăng – một người Pháp tên Joseph de La Cassagne (mà người dân xứ đạo còn gọi bằng tên tiếng Việt là Cổ Xuân) xây dựng. Dù không nổi tiếng và đông khách như các nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn), nhà thờ Con Gà (Đà Lạt), nhà thờ Lớn (Hà Nội)…, nhưng Mằng Lăng là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam mà đến nay vẫn còn hầu như nguyên trạng.
Nhà thờ theo kiến trúc Gothic, với mặt trước là hai lầu chuông ở hai bên, chính giữa là thập tự giá. Các họa tiết trang trí chạy dọc bên trong mặt tiền nhà thờ lại đắp nổi các đường diềm trang trí và đặc biệt hình hoa độc đáo trang trí trên bờ tường nhà thờ mà bây giờ bạn vẫn có thể quan sát được. Ngược với vẻ ngoài khá trầm mặc nhuốm màu thời gian, thánh đường bên trong nhà thờ sẽ khiến bạn bất ngờ với mái trần ốp gỗ bóng mượt treo những chiếc đèn cổ quen thuộc thường hiện diện trong các kiến trúc châu Âu.
Đặc biệt là những khung cửa sổ rực rỡ màu sắc, làm bằng kính màu thường thấy ở nhiều nhà thờ được xây dựng trong cùng thời gian này. Chúng nổi bật trên nền trắng, màu sơn của nhà thờ. Những con dơi ngủ ngày treo thân trên các vách tường, càng nổi bật thêm màu đen của chúng và vẻ cũ kỹ của nhà thờ đã gần 130 năm tuổi.
Nhà thờ đã qua khá nhiều lần tu sửa, lần gần đây nhất là 2007, tuy nhiên và may mắn thay, tòa kiến trúc độc đáo phong cách châu Âu giữa đồng bằng trung du Trung bộ này vẫn không thay đổi gì so với kiến trúc nguyên thủy của nó. Mằng Lăng không chỉ là nơi hành hương của người theo đạo, mà còn là điểm đến thú vị với du khách ưa tìm tòi thích khám phá. Nhất là từ khi nhiều người phát hiện ra nơi đây còn lưu giữ một sự thú vị khác.
Thăm cuốn sách cổ về chữ viết tiếng Việt
Một trong hai lý do du khách đến nơi này, bên cạnh chiêm ngưỡng kiến trúc xinh đẹp của nhà thờ, có một lý do quan trọng khác: chiêm ngưỡng cuốn sách in tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam đang lưu giữ tại đây, chứ không phải một bảo tàng nào khác.
Cuốn sách được trưng bày trong nhà nguyện nằm bên hông nhà thờ, nơi cũng trưng bày các chứng tích liên quan đến nhà thờ và vị thánh An-rê Phú Yên. Cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước ta, được lồng kính, trưng bày trang trọng dưới chân dung của Alexandre de Rhodes.
Và phải lần thứ hai quay lại viếng nhà thờ, tôi mới có dịp “diện kiến” cuốn sách đang được lưu giữ cẩn thận. Lý do là nhà nguyện dưới lòng đất này thường khóa cửa, chỉ mở cửa khi có dịp lễ lạt, nên không phải lúc nào bạn cũng có thể đến thăm và chiêm ngưỡng.
Một cuốn sách dễ gây xúc động với những ai lần đầu nhìn thấy, khi tự thân nó đã chứa rất nhiều ý nghĩa. Sách được in ấn tại Roma (Italia) cách đây hơn 450 năm, có tên là quyển giáo lý Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes (mà người ta quen gọi là cha Đắc Lộ). Càng ý nghĩa hơn khi Alexandre de Rhodes chính là người góp phần quan trọng nhất của việc hình thành chữ Quốc ngữ hiện đại bằng công trình Từ điển Việt-Bồ-La, hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh.
Cuốn sách dày chừng 600 trang, được in song ngữ bằng tiếng La-tinh và tiếng Việt. Nhìn vào cũng đủ hiểu ý nghĩa và những kỳ công khai sinh ra chữ Quốc ngữ của vị linh mục nổi tiếng này. Khi bạn nhìn qua vài trang sách cổ này, sẽ thấy hơi khác với cách sử dụng, phiên âm, đọc tiếng Việt hiện đại bây giờ. Đọc những dòng chữ trên trang giấy mở sẵn của cuốn sách, bạn sẽ thấy sự thú vị này. Cuốn Phép giảng tám ngày cũng được coi như một tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, sử dụng lời văn tiếng nói bình dân hàng ngày của người Việt ở thế kỷ 17.
Thời gian đã đi qua nó mấy trăm năm, nhưng giấy in hãy còn sáng một màu trắng tươi, chữ in trên trang giấy vẫn còn rất đậm màu mực và rõ nét. Nếu không nằm trong tủ kính, hẳn cuốn sách trông vẫn “trẻ trung” như bao cuốn sách hậu bối khác. Chiêm ngưỡng cuốn sách, tự dưng trong đầu tôi không khỏi gợi lên suy nghĩ, mặc cho xứ này đặt tên ông thành đường từ kiếp nào, mặc cho xứ kia vì chuyện này mà gây tranh cãi một thời gian dài, thì rõ ràng vị trí của Alexandre de Rhodes, sự quan trọng của cuốn sách này là điều không thể phủ nhận.
Nhà thờ nằm ở xã An Thạnh, huyện Tuy An, Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa 35km về phía Bắc với giao thông rất thuận tiện.
Từ Sài Gòn, Hà Nội có thể đến Tuy Hòa bằng đường không, đường bộ, đường sắt. Rồi từ đây tự đi với ô tô hoặc xe máy theo quốc lộ 1A, hướng từ Bắc vào qua trụ cây số 1.300, gặp cầu Ngân Sơn bắc qua sông Kỳ Lộ (dân địa phương gọi là sông Cái), qua cầu khoảng 600m rồi rẽ trái để vào Mằng Lăng. Từ trong Nam ra, đường bộ theo tuyến quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng gần 30km, đến thị trấn Chí Thạnh rẽ phải đi theo hướng đến Gành Đá Dĩa, chừng 2km bạn sẽ thấy nhà thờ Mằng Lăng bên tay trái giữa những hàng cây xanh. Muốn xem sách cổ, nên liên hệ trước hoặc tìm gặp các sơ ở nhà thờ để có thể vào tham quan. |
Bài & ảnh: Hàn Giang
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh
Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/cuon-sach-chu-quoc-ngu-dau-tien-cua-nuoc-viet-va-giao-duong-co/