
Tôi cãi nghĩa là tôi tồn tại
- Ngày đăng: 23 Tháng Bảy, 2019
Sẽ không bao giờ có được cuốn sách bao quát đầy đủ các cá tính của xứ Quảng, nên cuốn Cá tính Quảng (NXB Đà Nẵng, quý 4/2018) chỉ là một góc nhìn nhỏ và hẹp về vài đặc tính dễ nhận ra của đất này. Dù nhỏ và hẹp như vậy, nhưng chắc chắn sự “không phục”, sự “cãi” về các nhân vật, các cá tính trong sách sẽ khó mà không xảy ra. Bởi với người Quảng thì: Tôi cãi nghĩa là tôi tồn tại.
Trong một hội thảo về địa dư và địa chí, một nhà nghiên cứu nói rằng khi viết về tỉnh Bình Thuận trong lịch sử, nếu tách rời với yếu tố Chăm, thì các nhân vật mà “vua biết mặt, chúa biết tên” có rất ít. Trong các nhân vật mà ông này kể ra, dường như chỉ có Nguyễn Thông (1827-1884) là nhiều người biết đến. Mà Nguyễn Thông thật ra là người của làng Bình Thạnh, tổng Thạch Hội Hạ, tỉnh Gia Định, nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Những năm tháng mà ông gắn bó với Bình Thuận không thật nhiều. Theo nhà nghiên cứu này, đây vừa là một cái khó, nhưng cũng vừa là một cái dễ, vì nếu nhiều như xứ Quảng, xứ Huế, xứ Bình Định… thì viết cũng nan giải lắm. Thừa người này thiếu người người kia là đủ chết với sự phê phán rồi.
“Quảng Nam hay cãi” là câu nói cửa miệng mà gần như khắp Việt Nam đều công nhận. Vị chính khách xứ Quảng là Mai Thúc Lân (1935-2014) nổi tiếng ở các kỳ họp Quốc hội về khả năng phản biện, phân tích thẳng thắn, nói nôm na là… hay cãi. Nhiều lần, khi mời ông phát biểu trước, ông đều trả lời đại ý: Các đại biểu hãy nói trước đi thì tôi mới nói lại được chứ.
Chiết tự chữ Nôm về từ “cãi” (唤), nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn viết: “Chữ Nôm dùng chữ hoán (唤) của chữ Nho để đọc là cãi. Cãi được diễn tả bằng bộ khẩu (口): lời nói và chữ miễn (免): cởi, bỏ. Nghĩa là dùng lời nói, lý lẽ bào chữa, tranh biện để được thắng thế, miễn trừ, xóa bỏ điều gì đó. Cãi chính là nền tảng đầu tiên của việc thiết lập bình đẳng theo hàng ngang, tức không phải tôn ti trật tự kiểu chiếu trên chiếu dưới theo hàng dọc của triều đình phong kiến, gia trưởng. Vượt qua đèo Hải Vân, cách biệt triều đình, người Quảng lại sống nơi biên ải, không cãi mới lạ”.
Nội bộ người Quảng (gồm Quảng Nam – Đà Nẵng) thì thường dùng cụm từ “cãi tận mạng” để nói về đặc trưng cá tính của mình. Trong các buổi họp hội đồng hương xứ Quảng, bên cạnh những sẻ chia về chuyện học hành, về quê hương bản quán, về tương thân tượng trợ, thì một đặc sản không bao giờ thiếu, đó là… cãi. Người phùng mang, kẻ trợn mắt là điều rất thường thấy, vì ai cũng muốn đưa ra chân lý của mình.
Đôi khi họ chỉ cãi nhau về một chữ, một ý, một cách phát âm, một câu nói. Người Quảng cũng thường dùng câu “Chửi cha không bằng pha tiếng” như là một chân lý để phê bình cách phát âm lạ. Mà than ôi, đất Quảng tuy nhỏ hẹp là thế, nhưng lại có rất nhiều cách phát âm khác nhau, đừng nói trên rừng dưới biển đã khác, mà nhiều khi hai làng kế cận cũng đã khác. Dưới chân núi Hòn Tàu (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn), đa số dân làng Lộc Đại nói giọng… Sài Gòn đó thôi. Cho nên khi qua làng khác, xã khác, không cãi mới lạ.
Làm sao để giới hạn việc cãi trong yên ổn, vui vẻ? Nhiều làng xã ở xứ Quảng dùng từ “bạn hạn” để chỉ ranh giới của hai nhà, hai làng, hai xã. Theo nhà văn Cung Tích Biền – một nhân vật trong sách Cá tính Quảng – thì gần như không có tỉnh nào tại Việt Nam dùng từ “bạn hạn” theo cách của người Quảng. “Bạn hạn” là giới hạn của bạn bè, bước qua giới hạn này là xâm phạm, là xung đột, là hết bạn bè. Người Quảng “cãi tận mạng” là vậy, nhưng cũng luôn nghĩ về “bạn hạn”, nên xứ này cũng rất đoàn kết. Không phải ngẫu nhiên mà các hội đồng hương xứ Quảng đi đâu cũng có, hoạt động rất xôm tụ, hỗ trợ kịp thời các biến cố, khó khăn.
Chính sự đa dạng và sự “cãi tận mạng” như trên, nên viết sách về cá tính Quảng là vô cùng nan giải. Thế nhưng, “người Quảng nói là làm”, chấp nhận phiêu lưu (leo qua đèo Hải Vân), chấp nhận khác biệt (sống với người Chăm), chấp nhận thách thức (làm cuộc Trung kỳ dân biến), chấp nhận đổi mới (làm cuộc duy tân; Phan Khôi mở ra Thơ mới), nên dù nan giải, sách vẫn ra đời. Cùng lắm là… bị cãi mà thôi.
NÉT QUẢNG
Mỹ Nguyễn là nữ doanh nhân trẻ trong lĩnh vực truyền thông. Cô là Tổng giám đốc công ty cổ phần FSmart và là người tổ chức thực hiện cuốn sách này.

Mỹ Nguyễn- Tổng giám đốc FSmart Corporation
“Nhưng Mỹ không chỉ là một doanh nhân. Cô là một trong số những người trẻ chọn cách sống vì những điều tử tế. Chưa đủ sức lập quỹ từ thiện, chưa tự làm một chương trình thiện nguyện lớn nào thì Mỹ chọn đi từng bước nhỏ. Cô và công ty đồng hành với những chuyến đi về vùng sâu vùng xa giúp dân của các CLB khác, tham gia vào các nhóm thiện nguyện mà cô tin tưởng, hỗ trợ/tài trợ bằng nguồn lực công ty sẵn có… Và cô xây dựng dần một chương trình vì cộng đồng của riêng mình.
Nét Quảng là bút danh của Mỹ. Cô yêu thích nghệ thuật, văn chương và thi thoảng cũng viết lách. Ban đầu chỉ để cho riêng mình, trải lòng mình nhưng cô chọn bút danh này vì ôm ấp nhiều giấc mộng với quê hương. Mà Mỹ yêu quê hương theo cái cách cũng bảo thủ không kém bất kỳ người gốc Quảng nào. Thích ăn món Quảng, cãi nhau kiểu Quảng. Cô có thể lang thang cả buổi chiều ở chợ Bà Hoa chỉ để nghe giọng Quảng quanh mình, để mua những món quà quê gợi nhiều thương nhớ…
Khi khởi động dự án này và mời những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo cùng đồng hành, Mỹ khiến mọi người ngạc nhiên vì độ chín chắn và dám làm của một cô gái mới tròn 28 tuổi. Mỹ không làm vì tùy hứng hay chỉ để khoe danh. Trăn trở đã lâu và nói như cô là khi duyên vừa đủ độ, cô quyết định dồn lực để làm. Mà Mỹ thì có khả năng truyền lửa cho bất kỳ ai đồng hành cùng mình.
Sau 3 tháng, trang thông tin điện tử netquang.vn và cuốn sách Cá tính Quảng đã có trên tay bạn đọc. Đây mới chỉ là bước đầu tiên trong hành trình hướng về quê hương của cô. Không biết Mỹ sẽ nói gì vào hôm ra mắt bạn đọc, nhưng tôi tin ở đó sẽ có những giọt nước mắt hạnh phúc. So với FSmart còn non trẻ, Mỹ đã đi một hành trình dài hơn 5 năm, mang giấc mộng và hoài bão từ quê nhà, viết tiếp trên xứ người bằng nỗ lực và tấm lòng của đứa con xứ Quảng.
Chẳng biết ai là người đầu tiên nói câu Chúng ta đi mang theo quê hương nhưng từ bây giờ nó trở thành phương châm hành động của cả dự án dài hơi này…”
Theo Thế giới Nữ doanh nhân